Tiến độ thi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 vượt tiến độ đề ra
21/07/2024
Nội dung chính
Nhiều hạng mục quan trọng của dự án thành phần 3 – xây dựng các công trình thiết yếu trong Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đang thi công vượt tiến độ đề ra.
Lắp đặt mái nhà ga hành khách từ tháng 8-2024
Hiện nay, dự án thành phần 3, Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 có các công trình chính đang được triển khai thi công là nhà ga hành khách; đường cất, hạ cánh và 2 tuyến giao thông kết nối.
Theo Ban Quản lý Dự án Sân bay Long Thành, các công trình này đều đang bám sát tiến độ đề ra, trong đó, một số hạng mục đã thi công vượt tiến độ.
Cụ thể, đối với công trình nhà ga hành khách, liên danh các nhà thầu thi công đã huy động trên công trường gần 3,3 ngàn nhân lực và hơn 1,1 ngàn trang thiết bị thi công nhằm đảm bảo tiến độ. Sau hơn 9 tháng thi công, đến nay, nhà ga hành khách đã hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép cột, dầm sàn lầu 1. Công tác bê tông cốt thép dầm sàn lầu 2 đạt 76% và đang tiến hành công tác bê tông cốt thép dầm sàn lầu 3.
Ông Evren Isit Bingol, Chỉ huy trưởng Liên danh Vietur, cho hay liên danh nhà thầu sẽ quyết tâm hoàn thành công tác bê tông cốt thép dầm sàn lầu 2 trong tháng 6, lầu 3 trong tháng 7 để bắt đầu từ tháng 8-2024 sẽ lắp đặt kết cấu thép phần mái nhà ga. “Đến thời điểm hiện nay, tiến độ chung của công trình đã vượt kế hoạch 10 ngày, riêng hạng mục về bê tông cốt thép đã vượt tiến độ 20 ngày” – ông Evren Isit Bingol cho biết.
Với công trình đường cất, hạ cánh, hiện nay toàn bộ phần nền hạ của đường cất, hạ cánh gồm các lớp cấp phối đá dăm, lớp bê tông M150 đã hoàn thành 100%. Từ đầu tháng 6, liên danh nhà thầu đang tiến hành thi công thử nghiệm lớp bê tông hoàn thiện M350. Với hạng mục này, tiến độ thi công đã vượt 2 tháng so với tiến độ theo hợp đồng đã ký kết.
Riêng với công trình 2 tuyến giao thông kết nối, sau khi được tỉnh bàn giao toàn bộ mặt bằng, nhà thầu đang tập trung nhân lực để thi công. Theo dự kiến, tuyến giao thông số 1 sẽ hoàn thành phần thi công nền hạ vào cuối năm nay.
Sẽ kết nối giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành
Kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành là rất cần thiết, vì có thể hỗ trợ khai thác lẫn nhau, đồng thời đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng không, không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh mà cả một phần phía Nam của Việt Nam.
Với tầm quan trọng đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến của một số cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan về báo cáo tổng thể kết nối giao thông giữa 2 sân bay, do Viện Chiến lược và phát triển GTVT thực hiện.
5 phương án kết nối cụ thể:
- Đối với đường bộ, phương án 1 được nghiên cứu là kết nối đường bộ đi trên mặt đất và đi ngầm đoạn từ nút giao đường Cộng Hòa đến hết đường Phạm Văn Đồng. Từ đường Phạm Văn Đồng có 3 hướng kết nối về Sân bay Long Thành thông qua đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cầu Cát Lái để kết nối với 2 tuyến giao thông (T1, T2) vào Sân bay Long Thành. Với 3 hướng này, chiều dài tuyến từ 48-62km.
- Phương án 2, kết nối đường bộ giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành đi theo các tuyến đường đô thị. Phương án này có 3 hướng kết nối với chiều dài tuyến từ 43-53km.
- Với đường sắt, 3 phương án được nghiên cứu. Phương án 1, kết nối bằng đường sắt qua tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành với hướng tuyến từ nút giao đường Cộng Hòa – nhà ga T3 – nhà ga T1, T2 – đường Hồng Hà – đường Phạm Văn Đồng – đường sắt quốc gia – đường vành đai 2 – Võ Chí Công kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 45km).
- Phương án 2, kết nối bằng đường sắt theo tuyến đường sắt đô thị số 2 từ đường Trường Chinh – đường Cách Mạng Tháng Tám – đường Phạm Hồng Thái – đường Lê Lai – Bến Thành – Thủ Thiêm kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 43km).
- Trong khi đó, phương án 3 sẽ kết nối bằng đường sắt theo hướng tuyến đường sắt đô thị số 4 từ nhà ga T1, T2 Sân bay Tân Sơn Nhất – đường Trường Sơn – đường Hoàng Văn Thụ – đường Phan Đình Phùng – đường Hai Bà Trưng – Bến Thành kết nối vào tuyến đường sắt đô thị số 2 đến Thủ Thiêm kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 42km).
Việc kết nối giao thông giữa sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ khai thác, và nhu cầu vận chuyển; mà còn có tác động rất lớn đến du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là đối với những dự án nghỉ dưỡng cao cấp như Ecovillage Saigon River.