Ngày 3-12, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan đến tiến độ Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý phương án xây dựng hầm vượt sông thay thế cho phương án xây cầu Cát Lái kết nối Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều năm tìm phương án xây dựng cầu Cát Lái
Ý định xây cầu Cát Lái được hai địa phương ấp ủ nhiều năm trước khi nhu cầu đi lại giữa các quận 2, 9 (nay thuộc TP Thủ Đức) qua khu đô thị Nhơn Trạch (Đồng Nai) ngày càng cao, nhưng kết nối trực tiếp giữa hai bên chỉ có phà Cát Lái. Mỗi ngày, hàng chục nghìn người ở hai bờ phải đi phà nếu không muốn chạy vòng theo quốc lộ 51 hoặc đi cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây dành cho ôtô.
Giao thông chưa thuận lợi cũng hạn chế việc vận chuyển hàng hóa giữa hai địa phương cũng như vùng Đông Nam Bộ. Hàng hoá ở các khu công nghiệp dọc quốc lộ 51, Nhơn Trạch qua cảng Cát Lái và từ TP HCM tới cảng Cái Mép – Thị Vải ngày càng tăng, song các xe chủ yếu phải chạy vòng theo xa lộ Hà Nội. Ngoài xảy ra ùn tắc, tuyến đường này khiến ôtô phải chạy xa hơn khoảng 7 km so với việc có đường nối trực tiếp Nhơn Trạch qua thành phố.
KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá việc xây dựng cầu Cát Lái là cần thiết cho sự phát triển của cả ba địa phương TP HCM, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo ông cầu xây ở khu vực gần cảng Cát Lái kết nối Vũng Tàu sẽ có hiệu quả nhanh vì hạ tầng đã sẵn sàng, còn phía quận 7 thời gian sẽ dài hơn do cần chờ đầu tư công trình đồng bộ.
Đề xuất xây hầm vượt sông Cát Lái thay phương án xây cầu
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan trung ương chấp thuận phương án xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai kết nối Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh, thay cho phương án xây dựng cầu Cát Lái nhằm đảm bảo mỹ quan khu vực 2 bên sông cũng như tránh ảnh hưởng đến hoạt động của Cảng Cát Lái.
Giữa tháng 11 vừa qua, tại buổi làm việc với các sở, ngành của tỉnh, Công ty CP Fecon và đối tác là Công ty Shanghai Tunnel Engineering Co.STEC đã đề xuất phương án xây dựng hầm vượt sông thay thế xây cầu đối với Dự án xây cầu thay phà Cát Lái. Đồng thời, các đơn vị cũng đưa ra 2 phương án xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai với các hầm hở phía Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, cùng với đó là phần hầm kín vượt sông. Cả hai phương án đều được đề xuất có 2 tuyến hầm chạy song song.
Với phương án 1, Công ty CP Fecon đưa ra phương án 8 làn đường với 4 làn đường mỗi hầm, vận tốc thiết kế 80km/h. Với phương án này, chiều dài tuyến là hơn 2,3km.
Trong khi đó, với phương án 2, đơn vị đề xuát quy mô 6 làn đường với 3 làn đường mỗi hầm. Chiều dài tuyến hơn 1,7km.
Qua nghiên cứu, phương án rẻ nhất và nhanh nhất để thi công hầm thay cho xây dựng cầu Cát Lái có chi phí từ 9 – 10 ngàn tỷ đồng và thời gian thi công dưới 2 năm.
Dự án hầm Cát Lái qua sông Đồng Nai, nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch ngoài thúc đẩy phát triển đô thị mới Nhơn Trạch, còn giúp kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, kéo theo sự phát triển gia tăng giá trị bất động sản tại khu vực Nhơn Trạch, nhất là những dự án đã hiện hữu như Ecovillage Saigon River.
Xem thêm: Đồng Nai chính thức đưa vào khai thác cảng Phước An: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế